Foxconn hiện đặt các nhà máy công suất lớn tại Trung Quốc. Trong nhiều thập kỷ,ạigặprắcrốitạiTrungQuốtiki việc sản xuất tại đây diễn ra ổn định, dù thi thoảng gặp một số vấn đề chế độ đãi ngộ, tăng ca... Tuy nhiên, cuối tuần trước, mọi thứ trở nên căng thẳng hơn khi nhà sản xuất theo hợp đồng này bị Trung Quốc điều tra liên quan đến thuế và sử dụng đất. Công ty sau đó xác nhận đang hợp tác với cơ quan chức năng về vấn đề này.
Cuộc điều tra được công bố chỉ vài ngày sau khi CEO Apple Tim Cook có mặt tại Trung Quốc. Theo các chuyên gia, việc Foxconn vào tầm ngắm của Bắc Kinh mở ra nguy cơ rủi ro địa chính trị mới đối với Apple tại đất nước tỷ dân.
"Foxconn là một phần quan trọng trong chuỗi cung ứng của Apple", Kenneth Jarrett, cố vấn cấp cao tại công ty tư vấn Albright Stonebridge, nhận xét. "Bất cứ điều gì gây nguy hiểm cho vị thế của Foxconn ở Trung Quốc, ngay cả khi không liên quan đến Apple, đều trở thành vấn đề đau đầu".
Apple hiện phụ thuộc rất lớn vào Foxconn trong sản xuất iPhone, đặc biệt là các mẫu mới ra mắt. Gần đây công ty đã đa dạng hóa đối tác, khi đưa thêm Luxshare vào danh mục sản xuất iPhone 15, cũng như mở rộng nhà máy sang Ấn Độ. Dù vậy, theo nhà tư vấn chiến lược Randal Phillips, Apple đã đầu tư quá nhiều vào Trung Quốc cả về sản xuất lẫn tiêu dùng. Do đó, vấn đề Foxconn là thách thức lớn và công ty cần giảm thiểu rủi ro trong ngắn hạn.
Khi đến Trung Quốc tuần trước, CEO Tim Cook đã gặp một số lãnh đạo, cũng như tham quan cửa hàng Apple Store nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của nước này với tư cách là một thị trường lớn và một trung tâm sản xuất hàng đầu. Ông cũng thăm nhà máy sản xuất thiết bị Apple, nhưng không phải của Foxconn.
Theo công bố năm 2022, Foxconn là một trong những nhà tuyển dụng khu vực tư nhân lớn nhất Trung Quốc, khi mỗi năm chiêu mộ hàng trăm nghìn công nhân cho các nhà máy ở Trịnh Châu, Thâm Quyến và Thành Đô.
Cuối năm ngoái, Apple cũng gặp rắc rối khi hỗn loạn xảy ra tại nhà máy iPhone. Foxconn và chính quyền địa phương phải kêu gọi lao động quay lại bằng đãi ngộ và lương thưởng. Tuy nhiên, căng thẳng vẫn tiếp diễn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ sản xuất iPhone 14. Apple sau đó đã cử đại diện đến Foxconn Trịnh Châu để xử lý bất ổn nhằm đưa hoạt động sản xuất iPhone bình thường trở lại.
Bảo Lâm(theo WSJ)